11 điều nên tránh và loại bỏ khi bạn khởi nghiệp

Thảo luận trong 'Khởi nghiệp - Startup' bắt đầu bởi mkt, 18 Tháng mười hai 2013.

  1. mkt

    mkt Member

    Ngày một nhiều nữ doanh nhân tham gia thương trường cho dù biết trước những khó khăn đang chờ đón. Phẩm chất kiên trì, sự mềm dẻo linh hoạt trong ứng xử nhưng không kém phần sắc sảo là những điểm mạnh của những người phụ nữ làm kinh doanh.

    Tuy nhiên, kinh doanh chưa bao giờ là dễ dàng đối với cả nam giới lẫn nữ giới. Thời điểm "khó nhằn" nhất mà bất cứ ai cũng phải trải qua là khi bắt đầu hoạt động kinh doanh, với vốn kinh nghiệm ít ỏi, những khó khăn kỹ thuật đã khiến rất nhiều nữ doanh nhân "vấp ngã" ngay khi vừa khởi động.

    woman-startup

    Nhận biết những sai lầm dễ mắc để phòng tránh là cách hay giúp bạn trở thành một nữ doanh nhân thành đạt

    Do đó, nhận biết những sai lầm dễ mắc để phòng tránh sẽ là cách hay giúp bạn trở thành một nữ doanh nhân thành đạt.

    1. Quá cẩn trọng mà thiếu quyết đoán

    Phụ nữ luôn là những người cẩn trọng, chu toàn và xem xét kỹ lưỡng trước khi bắt đầu. Do vậy, nhiều doanh nghiệp mới có hướng lựa chọn đi vào thị trường nhỏ mà không dám "đối đầu" với các nhãn hàng đã có tiếng. Ví như rất ít người chọn kinh doanh dịch vụ giặt là nếu khu phố lân cận có tới vài ba tiệm lớn.

    Tuy nhiên, không phải lúc nào "né tránh" cũng là một ý hay. Thực tế, nếu có thể giặt là trong khoảng thời gian nhanh chóng với mức giá hợp lý hơn, bạn hoàn toàn có thể cạnh tranh với những cửa hàng đã có mặt lâu năm. Vấn đề không phải là bạn chọn kinh doanh gì mà chính là bạn có đưa đến được cho khách hàng dịch vụ tốt nhất với giá cả hợp lý nhất hay không. Cẩn trọng là tốt, nhưng đừng vì thế mà bỏ đi sự quyết đoán của một doanh nhân.

    2. Vội vàng quảng cáo

    Sức mạnh truyền thông là không thể phủ nhận trong thời đại internet, nhiều nữ giám đốc khi mới bắt đầu đã không ngần ngại chi một khoản đáng kể để tìm cách đưa thương hiệu non trẻ đến cộng đồng một cách nhanh nhất như dùng tờ rơi đến quảng cáo trên báo chí, truyền hình... Hãy cứ làm như vậy nếu bạn có nguồn tài chính dồi dào, tuy nhiên, cần hiểu rằng không nên "đốt cháy giai đoạn" bởi danh tiếng thực sự chỉ đến khi dịch vụ của bạn đáp ứng được yêu cầu của khách hàng với mức giá và phương thức dễ chịu nhất.
    Lời khuyên ở đây là bằng những mối quan hệ sẵn có như người quen, bạn bè, hàng xóm hãy "kéo" họ tới sử dụng dịch vụ của mình trước, từ đó nhận diện và khắc phục những điểm yếu cũng như thông qua họ để quảng bá hình ảnh hiệu quả hơn nhiều. Bất kỳ một doanh nghiệp nào, dù là lớn hay nhỏ, đều cần có thời gian để phát triển. Hãy làm việc nghiêm túc và chăm chỉ, rồi lợi nhuận sẽ đến.

    3. Đáp ứng khách hàng thái quá

    Ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp mới bắt đầu là có khách hàng nên đôi khi nữ doanh nhân trở nên "mềm lòng" quá mức, sẵn sàng làm không công hoặc chỉ lấy một phần chi phí nhằm thu hút khách. Tuy nhiên, đây không phải là cách để giữ khách lâu dài. Linh hoạt mềm dẻo, khác với nhu nhược, tự ti, do vậy nữ doanh nhân cần tỉnh táo để có ứng xử phù hợp nhất.

    Khó khăn ở chỗ, khi còn quá trẻ, khách hàng thâm niên có khả năng áp đảo trong đàm phán giá, làm giảm giá trị thực của dịch vụ. Tuy nhiên, đừng mềm lòng để điều đó xảy ra. Bạn cần lên sẵn một kế hoạch ứng xử khi có trục trặc với khách hàng; một gợi ý cho nữ doanh nhân là nên tìm kiếm sự cộng tác ở một người thân hoặc bạn bè có vẻ ngoài tạo sức nặng cân đối trong mỗi cuộc đàm phán.

    4. Thiếu sự toàn tâm, toàn ý trong quản trị kinh doanh

    Thật lòng, phụ nữ có quá nhiều điều chi phối đến tình cảm, cuộc sống và nhất là khi còn trẻ, các cô gái luôn bị ràng buộc vào rất nhiều mối quan hệ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Sẽ là vô cùng khó khăn khi nữ giám đốc phải lựa chọn giữa thời gian mua sắm chăm lo gia đình và đi gặp gỡ thuyết phục đối tác.

    Nhiều người đã giao phó công việc cho cấp dưới, cộng sự và dần đánh mất vai trò quản trị của mình. Lời khuyên cho các nữ doanh nhân là cần xác định kinh doanh là việc làm nghiêm túc, đòi hỏi bạn phải dành cho nó nhiều thời gian, công sức và trí tuệ. Bạn cần xếp lại những thú vui không cần thiết để làm việc thực sự.

    5. Kế hoạch kinh doanh sơ sài

    Một kế hoạch kinh doanh vững chắc, chi tiết là bước quyết định, là nền tảng cho sự thành công trong tương lai. Mặc dù trên thực tế, mọi việc thường diễn ra không như những gì bạn dự định ban đầu nhưng kế hoạch kinh doanh vẫn luôn là linh hồn của doanh nghiệp, là kim chỉ nam giúp bạn không đi lạc hướng. Có thể bạn chưa biết bắt đầu từ đâu nhưng bạn phải biết rõ nơi mình muốn đến. Bạn là ai, bạn bạn cần làm gì?

    Tại sao bạn lại quyết định kinh doanh? Sản phẩm, dịch vụ của bạn là gì? Bạn kiếm nguồn đầu tư ở đâu? Nếu bạn thấy khó khăn trước việc phải viết một bản kế hoạch, hãy viết những câu hỏi, những vấn đề mà bạn quan tâm trước khi bắt tay khởi nghiệp, đi tìm câu trả lời và sắp xếp các dữ liệu có được, những việc cần làm theo thứ tự ưu tiên và mốc thời gian. Thế là bạn đã có một kế hoạch để khởi sự kinh doanh cũng như trình bày với nhà đầu tư để tìm nguồn vốn.

    6. Không phát triển kế hoạch tiếp thị

    Kinh doanh mà không làm tiếp thị là một sai lầm rất lớn, đặc biệt là với các doanh nghiệp mới tham gia thị trường. Dù ngân sách ít nhiều thì bạn bắt buộc phải làm tiếp thị để dịch vụ, sản phẩm tiếp cận được với người tiêu dùng. Nếu bạn có quá ít ngân sách hãy tận dụng các công cụ miễn phí, mạng xã hội, tiếp thị truyền miệng..Dư dả hơn một chút, bạn có thể thuê các công ty tư vấn chuyên nghiệp hỗ trợ. Bạn không thể kinh doanh thành công nếu không thu hút được khách hàng và khách hàng thì chỉ có thể biết đến bạn qua con đường tiếp thị.

    7. Nghĩ hẹp

    Nhiều người khởi nghiệp rất thận trọng nhưng điều này chưa hẳn đã tốt. Nếu bạn chọn một ý tưởng bình thường, dễ dàng, cố gắng tránh mọi khó khăn, mọi thử thách, bạn có thể sẽ an toàn nhưng ngược lại, bạn khó có bước đột phá vượt bậc. Mặc khác, sau một thời gian bạn sẽ thu hút nhiều đối thủ cạnh tranh vì họ cũng cảm thấy việc kinh doanh này quá dễ dàng. Như vậy, bạn cố gắng tránh mọi thử thách nhưng cuối cùng cũng phải đối mặt với việc cạnh tranh với đối thủ. Bạn chỉ có thể tránh cạnh tranh, hoặc chiến thắng trong cuộc cạnh tranh bằng những ý tưởng mạo hiểm và đột phá.

    8. Bảo thủ

    Đến một lúc nào đó, công ty buộc phải thay đổi để thích hợp với tình hình mới và điều này đòi hỏi tầm nhìn của chủ doanh nghiệp. Không ít chủ doanh nghiệp gặp khó khăn khi thay đổi phương hướng kinh doanh vì suy nghĩ “ Tôi đang làm tốt, tại sao phải thay đổi?” Đúng là bạn đã thành công trong quá khứ nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ thành công trong tương lai. Các yếu tố khách quan, môi trường kinh doanh, thị hiếu khách hàng thay đổi liên tục. Nếu không bắt kịp, sự tụt hậu sẽ không tránh khỏi và đến khi bạn nhận ra mình đang kinh doanh không hiệu quả thì không dễ dàng khôi phục. Thay đổi còn đồng nghĩa với việc nắm bắt nhanh chóng mọi cơ hội quý giá.

    9. Dễ thất vọng

    Bạn đam mê với ý tưởng kinh doanh của mình nhưng không chắc những người xung quanh bạn cũng có cảm nhận tương tự. Khi bạn trình bày dự án với nhà đầu tư, đào tạo nhân viên hay bán sản phẩm cho khách hàng, sẽ có lúc bạn bị chỉ trích, nhận được những phản hồi không tốt. Ngoài ra, vô vàn những khó khăn khác như thiếu hụt tài chính, nợ nần, công việc căng thẳng rất dễ khiến những người mới lập nghiệp nản chí, buông xuôi. Khi quyết định khởi nghiệp cũng là lúc bạn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón nhận mọi khó khăn thử thách ở phía trước. Bạn có thể phải làm việc 16 giờ mỗi ngày và đôi khi không còn một xu dính túi.

    10. Bỏ qua những chỉ trích

    Không nản lòng trước những chỉ trích không có nghĩa là bỏ ngoài tai. Những phản hồi, góp ý dù đúng dù sai luôn có giá trị nhất định. Phản hồi – trong trường hợp không đúng với thực tế cũng giúp bạn nhận ra mọi người chưa hiểu hết về sản phẩm/dịch vụ mà bạn cung cấp. Lắng nghe và học hỏi là điều nên làm, tuy nhiên, để tránh tình trạng “đẽo cày giữa đường”, điều cần nhất là luôn giữ được mục tiêu.

    11. Đầu tư toàn bộ tài sản, vốn liếng

    Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ có thể bị cuốn vào đam mê kinh doanh và đầu tư toàn bộ tài sản, vốn liếng mình có được vào công ty. Khi chủ doanh nghiệp chấp nhận hy sinh giấc ngủ, mọi cơ hội nghề nghiệp và có lẽ là một chút tỉnh táo, thì việc trút hết vốn liếng để đầu tư là chuyện bình thường. Tuy nhiên, dù bạn có dùng hết đồng xu cuối cùng cho việc kinh doanh thì chưa chắc có hiệu quả mà việc này dễ dàng lại đẩy bạn vào tình huống hết sức khó khăn. Trước khi nuôi sống việc kinh doanh, bạn cần nuôi sống chính bản thân mình.

    Ghi rõ nguồn www.waytomarketing.com khi đăng tải lại bài viết này.
    Bài viết có tham khảo nội dung của báo DNSG.
  2. Broward

    Broward New Member

    Bài viết khá hay !

    Nơi bắt đầu khởi nghiệp đòi hỏi cần nhiều thứ ngoài kiến thức và tiền bạc còn phải có kỹ năng của thế kỷ 21









    Tham khảo trường quốc tế tốt nhất đang tuyển sinh năm 2014

Chia sẻ trang này