Hãy xem sự hội tụ kỳ diệu của dữ liệu, thiết bị và thiết kế đang tái định hình các ngành công nghiệp và tương lai toàn cầu như thế nào. Khi Steve Jobs được hỏi chữ "i" có ý nghĩa gì khi ông lần đầu tiên tung ra dòng sản phẩm "i", chiếc iMac năm 1988, ông đã giải thích rằng chữ "i" ở đây chính là sự kết hợp tuyệt vời giữa sự sôi động của internet và sự đơn giản của Macintosh. Do vậy, chữ "i" tượng trưng cho internet. Ít người vào thời điểm đó có thể nghĩ sâu sắc về điều Steve ám chỉ lúc đó khi ông đề cập đến sự sôi động của internet. Nhưng sự nghiên cứu chuyên sâu và tận dụng sự kết hợp của các sản phẩm của Apple với sự sôi động của mạng lưới nguồn thông tin toàn cầu (hay world wide web) chính là cốt lõi lý giải sự vươn lên của Apple như một sức mạnh hồi sinh. Những sản phẩm được thiết kế bắt mắt, iPod, iPad và iPhone đều được hỗ trợ bởi hệ sinh thái trực tuyến các thư viện giải trí và ứng dụng di động được phát triển một cách hệ thống. Tất cả các đối thủ của Apple từ Creative tới Microsoft đều thất bại khi họ nhìn nhận cuộc cạnh tranh này hạn chế ở một chiều. Cứ thử tưởng tượng nếu như cả thế giới đều được kết nối, điều gì sẽ xảy ra đối với các doanh nghiệp khắp toàn cầu? Thay vì chờ đợi những điều không thể tránh khỏi, các doanh nghiệp châu Á cần sẵn sàng và nâng cấp mô hình kinh doanh của mình để không bị loại bỏ khỏi cuộc chơi. Dưới đây là 3 gợi ý giúp doanh nghiệp của bạn luôn sẵn sàng: 1. Không có điều gì là không thể xảy ra Rất nhiều những điều đột phá đang thay đổi thế giới dù mới chỉ 1/3 dân số thế giới được kết nối internet. Do châu Á đang đô thị hóa với tốc độ chóng mặt, châu lục của chúng ta sẽ kết nối nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Do vậy, đừng bao giờ cho rằng điều này sẽ không ảnh hưởng gì đến bạn, bởi thực tế, nó hoàn toàn có. Samsung và Nokia từng là những người dẫn đầu trong sản xuất điện thoại di động tại châu Á vào cuối thế kỷ trước. Tuy nhiên, không giống như Nokia, người thuyền trưởng của Samsung đã nhanh nhạy và nhìn thấy được tầm quan trọng của việc kết hợp phần mềm với thiết kế. Thành công của Samsung chính là kết quả của sự sẵn lòng tiếp nhận thay đổi và không bao giờ giả định điều gì. Bởi vậy, hãy rà soát lại những sản phẩm bạn hiện có, nghĩ xem bạn có thể tái thiết kế chúng như thế nào để chúng thông minh hơn và kết nối dễ dàng hơn. Hãy nhận dạng những đối tác công nghệ như Google và xem bạn có thể tận dụng họ như thế nào để tạo ra những sản phẩm thông minh. 2. Đầu tư phát triển năng lực sản xuất nội bộ Rất nhiều doanh nghiệp phương Tây như Jawbone, nhà sản xuất tai nghe cao cấp, và Nike hiện đang thử nghiệm và củng cố năng lực sản xuất nội bộ để phát triển những sản phẩm kết nối với internet và có thiết kế đẹp mắt. Những doanh nghiệp này đang làm vậy bởi họ biết rằng những đối thủ khác sẽ gia nhập thị trường và đáp ứng nhu cầu của thị trường, chiếm lĩnh thị phần của họ nếu như họ không đổi mới. Đối với các doanh nghiệp châu Á đang cân nhắc việc làm tương tự, lời khuyên ở đây chính là: Đừng cố gắng sản xuất quá nhiều sản phẩm cùng một lúc. Hãy tập trung vào sản xuất một sản phẩm đột phá và tốt nhất, sản phẩm đó cần phải là một sản phẩm tinh vi. Sau đó hãy bắt đầu phát triển một đội nhóm nhân tài riêng biệt để tiến hành kế hoạch này. Một điều rất quan trọng, đội nhóm này cần báo cáo trực tiếp tới CEO và cần ở biệt lập với các đội nhóm khác công ty để họ có thể tập trung vào việc phát triển sản phẩm. Thông thường, việc này sẽ mất khoảng 3-5 năm để thấy được những hiệu quả thực sự xét về doanh thu và sự tăng lên trong nhu cầu của khách hàng, nhưng một khi những sản phẩm này bắt đầu cất cánh, nó sẽ tạo ra một sự chuyển dịch mang tính chuyển hóa đối với ngành công nghiệp cũng như doanh nghiệp bạn đang tham gia. Do vậy, lựa chọn ở đây, hoặc bạn cứ ở đó và cầu nguyện rằng không ai làm điều này, hoặc hãy bắt tay vào xây dựng ngay bây giờ và đạt được lợi thế cho riêng mình. 3. Đặt doanh nghiệp của mình ở đúng chỗ Khi đọc đến đây, chắc hẳn rất nhiều người trong số các bạn sẽ có suy nghĩ rằng doanh nghiệp của mình quá nhỏ, hoặc không thể tập hợp được những nguồn lực và thời gian cần thiết để phát triển những sản phẩm thông minh. Đừng lo lắng, bởi đối với mỗi sản phẩm sáng tạo đồng thời sẽ có một sự chuyển dịch vô cùng lớn trong hệ sinh thái các nhà cung cấp. Hãy chú ý và nhìn xem bạn có thể định vị doanh nghiệp của mình ở vị trí nào phù hợp và để thu lợi từ sự chuyển dịch này. Ví dụ, sự vươn lên của thế hệ điện thoại thông minh đã tạo ra nhu cầu lớn hơn rất nhiều về sản phẩm kính chịu lực cao cấp. Foxconns đã vươn lên trở thành một trong số những nhà thầu phụ linh kiện điện tử lớn nhất nhờ sự nổi tiếng của các sản phẩm Apple. Ở một lĩnh vực khác, sự vươn lên của các hãng máy bay giá rẻ đã tạo ra sự bùng nổ trong ngành du lịch. Stephen Kaufer, đồng sáng lập viên của Trip Advisor, đã tạo cơ hội cho những người du lịch chia sẻ những kinh nghiệm du lịch của mình với bạn bè và những người sắp đi du lịch. Ý tưởng về kinh nghiệm truyền miệng là một khái niệm hết sức đơn giản, nhưng việc kết hợp ý tưởng này với dữ liệu và trải nghiệm người dùng có thể coi là một công thức cho một mô hình kinh doanh thành công. Ngày nay, mỗi cá nhân hoặc doanh nghiệp đều có thể sử dụng YouTube, eBay và Twitter để bán sản phẩm của mình dù cho công ty của họ đang đặt tại đâu. Điều này mở ra những cơ hội vô cùng tiềm năng cho các doanh nghiệp châu Á để tận dụng làn sóng internet và công nghệ, từ đó tạo ra những sản phẩm đột phá với bản sắc văn hóa riêng biệt. "Một số loài vật thay đổi mình để thích nghi với môi trường. Dường như đây là một lựa chọn tốt hơn sự lựa chọn bị diệt vong" - đây chính là một câu nói đầy ẩn ý của Shirley McLaine, người đóng vai Mrs. Levinson trong Downtown Abbey, tạm dịch Tu viện Downtown, một vở kịch của nước Anh về một gia đình độc tài đối mặt với những thay đổi chóng mặt của xã hội vào đầu thế kỷ XX. Tương tự, chúng ta nên bắt đầu thích nghi với những thay đổi xung quanh của môi trường kết hợp thông tin với thiết kế nhằm tạo ra những sản phẩm đột phá. Nếu như thích nghi sớm, chúng ta sẽ không chỉ sống sót mà còn vươn lên và thu lợi từ chính những thay đổi này. Theo dnsg