Bạn có thể tìm đến dịch vụ PR vì nhiều lý do khác nhau, có thể là khi bạn muốn quảng bá danh tiếng bên trong và cả bên ngoài lĩnh vực hoạt động của bạn, hoặc khi bạn tung ra thị trường một sản phẩm mới, hay lúc bạn cần xây dựng chiến lược tạo dựng hình ảnh công ty… Trước khi chính thức ký hợp đồng với một công ty PR, bạn hãy xác định rõ ràng những mục tiêu PR cụ thể, cũng như phải biết rõ mình mong đợi những gì từ các hãng dịch vụ này. Các hãng PR nói chung có thể đảm nhận rất nhiều dịch vụ đa dạng khác nhau, cụ thể như: - Viết và phân bổ các câu chuyện PR tại địa phương: Các hoạt động xúc tiến, quảng bá, tài trợ…cùng nhiều chương trình truyền thông khác sẽ là những công cụ lý tưởng để truyền tải câu chuyện PR của bạn ra công chúng. - Viết và phân bổ các câu chuyện PR ra cả nước: Một hãng dịch vụ PR tốt sẽ không từ chối mở rộng việc quảng bá các công ty địa phương ra phạm vi toàn quốc. Nếu công ty địa phương của bạn được nhắc đến nhiều hơn trên phương tiện truyền thông quốc gia, danh tiếng của bạn sẽ gia tăng cùng với những mối quan hệ hợp tác mới với các nhà cung cấp và đối tác kinh doanh trên cả nước. Và bạn có thể sử dụng các ấn phẩm này như một công cụ tiếp thị hiệu quả để đẩy mạnh những hoạt động kinh doanh mới. - Tăng cường các bài viết về công ty bạn: Dù lĩnh vực kinh doanh của bạn là gì, thì các hãng dịch vụ PR cũng vẫn biết rằng sẽ phải kể câu chuyện PR sao cho hấp dẫn. - Lên kế hoạch cho các sự kiện đặc biệt và tham gia vào đời sống cộng đồng địa phương: Một hãng dịch vụ PR tốt - với những suy nghĩ sáng tạo và các mối quan hệ chặt chẽ với địa phương – có thể giúp bạn tổ chức các sự kiện đặc biệt hay các hoạt động tài trợ, giúp bạn hoà nhập vào cộng đồng địa phương, qua đó nâng cao hình ảnh công ty bạn. Họ cũng có thể giúp bạn hoạch định các chương trình sự kiện cho cả năm nhằm xây dựng mức độ nhận thức của công chúng về doanh nghiệp của bạn. - Thực hiện các nghiên cứu thị trường: Các hãng dịch vụ PR có khả năng giúp bạn thu thập dữ liệu về thị trường, cũng như tổ chức các cuộc điều tra khách hàng và các dự án khác nhằm tìm hiểu quan điểm của công chúng về công ty bạn, về sản phẩm/dịch vụ bạn đang cung cấp. Các công ty nhỏ không nên bỏ qua các kế hoạch nghiên cứu thị trường này. - Hợp tác với các công ty tại địa phương: Hãng dịch vụ PR có thể giúp bạn thiết lập mối quan hệ hợp tác kinh doanh với các công ty khác, bởi vì các hãng dịch vụ PR luôn có mối quan hệ chặt chẽ và rộng khắp trong cộng đồng kinh doanh địa phương. Vậy, từ những ích lợi trên, bạn sẽ lựa chọn một hãng dịch vụ PR như thế nào? Trước khi lựa chọn một công ty PR, bạn cần quan tâm tới một số yếu tố nhất định. Đầu tiên, có 4 vấn đề liên quan mà bạn không thể xem nhẹ trước khi đặt bút ký kết hợp đồng dịch vụ với một hãng PR: - Tài chính. Việc thuê dịch vụ PR có rẻ hơn việc tuyển dụng một nhân viên chuyên trách? - Khoảng cách địa lý. Bạn có cần đến một hãng dịch vụ PR ở ngay bên cạnh? Tần suất gặp gỡ với các nhân viên dịch vụ PR của bạn sẽ như thế nào? - Chuyên môn. Bạn có cần một hãng dịch vụ PR có chuyên môn trong lĩnh vực kinh doanh của bạn và đã từng làm việc với các công ty giống như công ty bạn? - Kinh nghiệm. Hãng dịch vụ PR đã có bao nhiêu năm kinh nghiệm? Các khách hàng của họ nhìn nhận và đánh giá như thế nào về chất lượng dịch vụ PR? Bạn hãy bắt đầu bằng việc nghiên cứu các sách báo xuất bản tại địa phương hay trên Internet để lên một danh sách các hãng dịch vụ PR. Sau đó, bạn lập kế hoạch cho các buổi gặp gỡ với những hãng dịch vụ nào xem ra thích hợp nhất. Nếu bạn đã từng giao dịch với giới báo chí hay quen biết bất cứ nhà báo nào, bạn hãy tận dụng mối quan hệ này để kiểm tra các hãng dịch vụ PR mà bạn nghĩ mình sẽ cộng tác. Bạn có thể dò hỏi thông qua một nhà báo nào đó từng giao dịch với họ. Nhân viên ở đó có thành thạo công việc PR? Họ có những ý tưởng độc đáo cho câu chuyện PR? Họ có một thành tích nào đó nổi bật trong quá khứ, có những khách hàng trung thành trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau? Và rồi, bạn sử dụng những hiểu biết này để soạn thảo các câu hỏi khi chính thức gặp gỡ hãng dịch vụ PR. Sau khi có được một số ứng viên sáng giá, bạn bắt đầu xem xét kỹ lưỡng về công việc của họ. Bạn cũng nên gọi điện cho một số khách hàng của hãng dịch vụ PR để kiểm tra. Nếu một công ty nào đó có vấn đề rắc rối với hãng dịch vụ PR này, bạn hãy cân nhắc lại ý định hợp tác của mình. Hãy tìm hiểu kỹ lưỡng các điểm mạnh, điểm yếu của hãng dịch vụ PR, và xem các nhân viên của họ có tinh thần trách nhiệm với công việc của mình và với các yêu cầu của khách hàng hay không. Tóm lại: Bạn phải cảm thấy hài lòng hoàn toàn với chuyên môn và công việc của các hãng dịch vụ này. Nếu bạn không thích làm việc với họ, hãy tìm một đối tác khác. Luôn có rất nhiều hãng dịch vụ PR thích hợp với bạn – hãy làm việc với một đối tác mà bạn cảm thấy thoải mái nhất. (Theo marketingvietnam - Dịch từ Allbusiness)