Xây dựng thương hiệu mới trên nền tảng vững chắc

Thảo luận trong 'Xây dựng thương hiệu' bắt đầu bởi mkt, 4 Tháng mười hai 2013.

  1. mkt

    mkt Member

    Hãy hỏi bất cứ kiến trúc sư nào và họ sẽ cho bạn biết khía cạnh quan trọng nhất của một thiết kế không phải là cấu trúc mà chính là nền móng. Nếu bạn sắp sửa sáng tạo một thương hiệu bền vững, bạn cần phải xây dựng giá trị của nó trên một nền móng vững chắc.

    Tất nhiên, nền móng không long lanh như thiết kế bên ngoài của một công trình kiến trúc nào đó, nhưng nó có vai trò cực kỳ quan trọng không chỉ trong việc nâng đỡ sức nặng công trình mà còn giúp công trình đó đứng vững trước những chuyển động liên tục của trái đất cũng như sự xói mòn của đất đai quanh đó.

    Như bất cứ kiến trúc vĩ đại nào, chẳng có gì quan trọng đối với thành công dài lâu của những sáng kiến xây dựng thương hiệu buổi ban đầu bằng nền móng vững chắc mà bạn dựng xây cho tương lai. Nền móng mà bạn tạo dựng sẽ quyết định mức độ vững chắc và bền vững của sự phát triển thương hiệu. Nền tảng vững mạnh là khởi đầu của thành công. Nếu bạn không có một nền tảng như thế để làm giá đỡ cho thương hiệu thì chắc chắn nó khó có thể đứng vững trước ảnh hưởng của cạnh tranh và những thay đổi thị trường khó đoán định.

    Building-New-Brands-On-A-Strong-Foundation-300x180

    Khi những người chủ thương hiệu xác định tầm nhìn cho tương lai, hành động đầu tiên họ phải là là xác định mảnh đất lý tưởng để xây dựng “giấc mơ” của mình. Những kỹ sư xây dựng xuất sắc khởi đầu từ mặt đất, dựng xây nên nền móng vững chắc cho những ý tưởng lớn và tầm nhìn xa.

    Xây dựng một nền móng vững chãi cho thương hiệu là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên giá trị cho các yếu tố khác.

    Với những người chủ thương hiệu mang đến giá trị mới cho thị trường, đây là những điều bạn cần cân nhắc trước khi “động thổ” để dựng xây ngôi nhà thương hiệu:

    1. Xây dựng nền móng thương hiệu trên mảnh đất lành

    Đừng bao giờ xây lâu đài trên cát là môt sáo ngữ quen thuộc mà hẳn bạn đã nghe nhiều lần. Nó cũng là lời khuyên không bao giờ cũ mà nhiều người chủ thương hiệu vẫn bỏ qua. Trong bước chạy hối hả để tạo dựng nhận biết, thử nghiệm và mua hàng, nhiều người thích đi đường tắt và bắt đầu luôn khâu quảng cáo và khuyến mại. “Triết lý” thương hiệu là “mảnh đất lành” để dựng xây mọi thứ. Mảnh đất lành triết lý thương hiệu sẽ chứa đựng mục tiêu, kim chỉ nam, giá trị, tính cách và sự thống nhất của thương hiệu. Liệu triết lý thương hiệu có hỗ trợ thiết kế thành công cho tương lai? Liệu triết lý thương hiệu có đủ vững như đá tảng hay chỉ mong manh như cát?

    2. Nền móng thương hiệu phải phù hợp với cảnh quan quanh đó

    Trong kiến trúc, người ta gọi nó là quy hoạch khu vực còn trong kinh doanh và quản trị thương hiệu, nó có tên là lập kế hoạch chiến lược. Nền móng của bạn phải phù hợp hài hoà cả về tính chất lẫn thẩm mỹ với khu vực địa chất đó, hay chính là thị trường. Bạn phải định chỗ cho nền móng của mình thế nào trong mối tương quan với các “láng giềng khác” trong khu vực là điều cực kỳ quan trọng trong việc thiết lập giá trị độc đáo của bạn với khách hàng. Bạn phải biết rõ hướng đất, những mong muốn, kỳ vọng và nhu cầu của khách hàng. Thương hiệu nằm ở đâu trong tâm trí khách hàng mục tiêu? Thương hiệu phục vụ đối tượng nào?

    3. Nền móng vững chắc nằm sâu trong lòng đất

    Nếu bạn có tầm nhìn mang kích cỡ của một toà nhà thị chính liên bang cho thương hiệu, bạn sẽ phải đào thật sâu để xây móng. Điều này có nghĩa bạn phải tập trung tất cả các năng lượng sáng tạo cho một giá trị thật sâu sắc và quy mô hẹp. Điều độc đáo gì khiến thương hiệu mới của bạn được đánh giá cao và khác biệt so với các thương hiệu khác? Trau dồi kiến thức sâu rộng chỉ về một vấn đề nào đó mà khách hàng yêu thích… đừng nói chung–nói riêng! Những ý tưởng lớn đòi hỏi nền móng sâu và hẹp!

    4. Nền móng vững chắc được thiết kế và xây dựng kỹ lưỡng

    Cách thức thiết kế sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm thương hiệu là yếu tố quan trọng trong nền móng xây dựng thương hiệu. Cách bạn sáng tạo và truyền tải giá trị đòi hỏi kiến trúc xây dựng thông minh và thiết kế thanh lịch… mọi thứ trong trải nghiệm gắn kết khách hàng phải được suy xét và tiến hành chính xác. Đây là nền tảng tạo nên những thương hiệu phi thường. Thiết kế có ý nghĩa và tạo nên lợi thế cạnh tranh. Hãy xây dựng nền móng thương hiệu bền vững một cách đẹp mắt!

    5. Nền móng vững chắc được tạo nên từ vật liệu chất lượng

    Nếu muốn thương hiệu phát triển và đứng vững trước thử thách thời gian, nó phải được tạo nên từ những nguyên liệu chất lượng nhất. Xây dựng nền móng thương hiệu trong mối liên kết với những đối tác, nhân viên và nhà cung cấp uy tín và tin cậy. Thương hiệu được tạo ra trong một hệ thống sinh thái của những con người tài năng với đam mê sự hoàn hảo và thành công sẽ là điều tất yếu. Nền móng luôn tỷ lệ thuận với chất lượng vật liệu tạo nên nó. Những mối quan hệ tin cậy là sợi dây gắn kết thương hiệu với những người làm marketing cũng như người sử dụng.

    6. Nền móng vững chắc sẽ bảo vệ an toàn cho khoản đầu tư của bạn.

    Nếu bạn đang có kế hoạch dựng xây những thứ phi thường và ấn tượng trên nền móng đã xây, bạn cần phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Chất lượng của nền móng sẽ hỗ trợ và bảo vệ khoản đầu tư marketing mà bạn bỏ ra cho tương lai thương hiệu. Xây dựng nền móng ban đầu không long lanh như việc sáng tạo các chiến dịch quảng cáo. Hãy ghi nhớ điều này bởi cho dù phần lớn nền móng nằm sâu dưới đất và không hề hiện hữu trước con mắt của khách hàng, điều đó cũng không có nghĩa bạn có thể “lấp liếm” nó cho qua chuyện.

    Ngay từ đầu, thuyết phục và quảng bá không bao giờ quan trọng bằng công tác chiến lược của việc bố trí nền móng vững chãi trên một mảnh đất thuận lợi – phù hợp với cảnh quan thương hiệu. Giá trị dài lâu của thương hiệu phù thuộc vào việc tạo dựng nền móng chính xác ngay buổi ban đầu.

    Bài viết của branddance (Lược dịch từ BrandingStrategyInsider)

Chia sẻ trang này